Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Nay đã nên hình

 

(ĐSCT) Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ TPHCM đi Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 55km, đóng vai trò gắn kết các trung tâm kinh tế trọng điểm tại miền Đông Nam bộ là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với TPHCM, tạo ra một hành lang phát triển kinh tế cho khu vực. Đến nay, gói thầu 1A thi công trên địa bàn TPHCM đã hoàn thành được gần 30% khối lượng. Các gói thầu 1B, gói thầu số 3 đều đã được khởi công, tạo nên một vóc dáng con đường trong tương lai gần.

Công nhân thực hiện công đoạn phá mũ cọc nhồi

Theo ông Ren Yufang - Giám đốc dự án gói thầu 1A đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây do Tổng công ty cầu đường Trung Quốc (RB) chịu trách nhiệm thi công, gói thầu 1A đã thi công được 27,2% khối lượng. Trong tổng số 3,5km của gói thầu 1A (đoạn từ Km4+000 đến Km7+500) của toàn tuyến dự án, RB đã hoàn thành cốt nền cho 200 mét đường dẫn lên cầu, chuẩn bị gia tải và đúc mố cầu. Do thiết kế đường trên cao, chủ yếu là cầu cạn nên công việc thi công đòi hỏi độ chính xác cao. Để hoàn thành gói thầu 1A, nhà thầu sẽ phải đúc 84 trụ cầu và một mố cầu, vượt qua gần 10 vị trí có kênh rạch, trong đó có một sông cấp sáu.
Trong tiếng máy phá bê tông ầm ầm, kỹ sư Trần Đình Tân -  Giám đốc tiến độ của gói thầu 1A - cho biết tất cả trụ cầu đều phải sử dụng công nghệ khoan cọc nhồi bê tông - một công nghệ đúc cọc bê tông tại chỗ vào trong nền đất.  

Gói thầu 1A đã thi công được 27,2% khối lượng

Anh Toàn, công nhân trên công trường, cho biết: “Chẳng gì khó chịu bằng việc phải lom khom chui vào trong ruột của khung thép, dùng dây kẽm gia cố từng điểm tiếp xúc để làm khung thép cho xà mũ giữa cái nắng chang chang nhưng yêu cầu của công việc là không để sót một mối tiếp xúc nào nên phải cố. Trong những nghề lao động chân tay thì nghề làm công nhân cầu đường là một trong những nghề vất vả bậc nhất”.

Con đường nay đã nên hình nhưng những người thợ sẽ còn phải đổ vào đây không ít sức lực.


Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) có tổng chiều dài gần 55km, được thiết kế cho xe ô tô lưu thông với vận tốc tối đa 120km/giờ. Trong đó, đoạn từ nút giao An Phú (Q2) đến huyện Long Thành (Đồng Nai) có tổng chiều dài 23,9km. Đoạn còn lại từ huyện Long Thành đi qua các huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất đến ngã ba Dầu Giây của tỉnh Đồng Nai có tổng chiều dài trên 31km. Dự kiến khi hoàn thành vào cuối năm 2012, tuyến đường cao tốc trên sẽ kết nối với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (Tiền Giang) và sẽ đóng vai trò là tuyến đường huyết mạch kết nối toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh miền Tây, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL. Do có năng lực giao thông lớn nên tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, hình thành nên một hành lang phát triển kinh tế dọc theo tuyến đường cao tốc từ các tỉnh ĐBSCL như Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An... ra cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cụm cảng hàng không quốc tế Long Thành.



 

 
  QUANG HÀ

Newer news

Older news