Năm 2013, đưa vào sử dụng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

SGTT.VN - Ngày 28.8, đại diện ban quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho biết, qua gần hai năm khởi công, dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, dài gần 55km, đã triển khai được 6/7 gói thầu xây dựng. Ban quản lý dự án phấn đấu đến năm 2013 sẽ đưa toàn bộ công trình vào sử dụng.

 

Bản đồ dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (vạch màu đỏ và xanh lam)

Cầu Long Thành – cầu lớn nhất trên đường cao tốc đã được khởi công. Riêng đoạn qua quận 9 – TP.HCM, đơn vị thi công đã lắp các dầm cầu cạn vượt qua các sông, kênh, rạch.

Dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là một phần của hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam, đi qua các quận 2, 9 (TP.HCM) và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai). Điểm đầu tuyến là nơi giao nhau của đường Lương Định Của với đại lộ Đông Tây phía quận 2, TP.HCM. Điểm kết thúc cách ngã ba Dầu Giây khoảng 2,7km (thuộc huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ 120km/h. Dự kiến, khi giai đoạn một của dự án hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng bốn làn xe (năm 2012). Giai đoạn hai, đường được mở rộng lên 42,5m với tám làn xe.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất ở cả hai địa phận TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Đoạn đường đi qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 40km có hơn 900 hộ dân phải giải toả với số tiền đền bù hơn 170 tỉ đồng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án mới được thực hiện được 97% khối lượng.

Theo các báo cáo của ban quản lý dự án, diện tích giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công đã đạt 97% (trên 345ha). Phần còn lại người dân không chịu giao đất vì chưa hoàn tất các thủ tục đền bù, tái
định cư, gây khó cho việc triển khai năm cầu vượt và 14 cống chui trên tuyến đường này.

Ngọc Nhi

Tại TP.HCM, phần giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận 2 và quận 9 (khoảng 4km) mới làm công tác lập hồ sơ, số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng chưa được xác định… Một số đường điện, đường cáp viễn thông vẫn chưa được di dời.

Ghi nhận của chúng tôi trong sáng 28.8, phần lớn công trình (đoạn qua TP.HCM) dù đã “nên hình”, nhưng việc thi công chỉ được tiến hành ở một số vị trí như lắp dầm cầu cạn vượt sông đoạn quận 9, TP.HCM. Ngoài ra, hầu hết tuyến đường vẫn chưa được san lấp mặt bằng hay đổ đất, cát. Nhiều nơi, mặt bằng chưa được giải phóng.

Trong quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đây là tuyến đường được đánh giá rất quan trọng và có năng lực thông xe lớn. Dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết ba trung tâm kinh tế lớn tại khu vực phía Nam là TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai. Ngoài ra, khi đưa vào sử dụng, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ rút ngắn quãng đường từ TP.HCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 20km, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá từ cảng Cái Mép – Thị Vải, cũng như các hoạt động của cảng hàng không quốc tế Long Thành…

bài và ảnh: Từ An

Tin mới hơn

Tin cũ hơn